3 BÀI VĂN CỦA HỌC TRÒ CÔ NGUYỆT ANH LÀM CHẤN ĐỘNG BẠN ĐỌC
Posted on 05.04.2013 by nguyentrongtao
NTT: Cô
Nguyệt Anh, giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Hà Nội – Amsterdam vốn
nổi tiếng với những đề văn khơi gợi tâm hồn, tình cảm, trí tưởng tượng,
sáng tạo của học sinh. Chính các học trò của cô đã tạo nên những “hiện
tượng văn lạ” làm nổi sóng dư luận trong một thời gian dài như: “Nghĩ về đồng tiền” của Nguyễn Trung Hiếu, “Ba ngày làm chuột” của Ngô Thùy Dương… Và vừa đây là bài văn “Kính gửi nhà lãnh đạo Trung Quốc” của Trương Ánh Dương. Dưới đây là 3 bài văn làm chấn động bạn đọc:
1. “Nhập vai một em nhỏ có bố là
thuyền viên trên chiếc tàu đánh cá của Việt Nam vừa bị Trung Quốc bắn
cháy ca-bin, con hãy viết một bức thư gửi nhà lãnh đạo Trung Quốc để bộc
lộ những cảm xúc và ước mong”.
Kính gửi nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Thưa ông, bố cháu chính là một thuyền
viên trên chiếc tàu đánh cá Việt Nam vừa bị tàu Trung Quốc bắn cháy
ca-bin. Cháu viết bức thư này kính gửi ông để bộc lộ những cảm xúc và
ước mong của mình sau sự kiện đã làm cho cả nhà cháu rất buồn.
Trong những bản tin thời sự gần đây,
cháu được nghe tin về một tấm bản đồ cổ mới được tìm thấy. Qua đó, mọi
người biết rằng Trung Quốc không có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Hai quần đảo ấy là của Việt Nam. Nhiều lần đọc trên báo, bố
cháu kể rằng Trung Quốc đã tăng thêm tàu tuần tra trên Biển Đông, đặc
biệt là đã dùng vũ khí và đe dọa. Cớ sao bố cháu và các chú bác làm trên
tàu lại bị đe dọa, sao tàu của bố cháu lại bị bắn cháy, thưa ông? Bố
cháu không làm gì sai cả, bố cháu chỉ đi đánh cá trên biển chủ quyền của
Việt Nam chứ không phải Trung Quốc. Bây giờ có ai hại gia đình ông thì
ông có thấy đau đớn không ạ?
Chiếc thuyền đó là mồ hôi, công sức
của bố cháu và các thuyền viên. Từ lâu nhà cháu làm nghề đánh cá, bây
giờ tàu cháy, không thể ra khơi được, nhà cháu bây giờ sẽ lâm vào tình
cảnh khó khăn. Người Việt Nam cháu yêu chuộng hòa bình, không bao giờ
coi Trung Quốc là kẻ thù. Từ xưa, Trung Quốc đã thường xuyên tấn công
xâm lược nước cháu. Ông có biết rằng đã có bao nhiêu người đã đổ máu vì
chiến tranh không ?
Trung Quốc là một nước giàu mạnh,
đáng lẽ phải bảo vệ Việt Nam, sao lại đi đánh nước yếu? Cháu nghĩ Trung
Quốc chỉ muốn nói những gì sai sự thật. Cô giáo cháu kể: Trung Quốc
tuyên bố Việt Nam là nước láng giềng tốt, theo phương châm “16 chữ vàng”
đưa ra năm 1991 và theo tinh thần 4 tốt. Nhưng sự thật thì hiện tại
Trung Quốc chỉ muốn khẳng định là họ sở hữu hai quần đảo Trường Sa và
Hoàng Sa của Việt Nam. Có đúng như vậy không, thưa ông?
Cháu nghĩ như thế thì người dân Trung
Quốc nên nói ra sự thật, không cần nói những lời lẽ dối trá như vậy.
Mong ông đừng xâm phạm chủ quyền của người dân Việt Nam. Cháu biết tất
cả con người chúng ta sinh ra đèu muốn tốt đẹp nhưng chỉ vì lòng tham
điều khiển mà làm việc xấu thôi.
Cháu muốn thưa với ông rằng, tất cả
những gì chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ đùm bọc lẫn nhau chứ không
phải là xâm chiếm đất đai và của cải của nhau.
Thưa ông, nếu cháu nói có gì sai mong
ông bỏ qua vì cháu chỉ nói những gì cháu biết và thấy. Cháu chúc ông
luôn mạnh khỏe để lãnh đạo đất nước thật tốt.
Ký tên
Trương Ánh Dương.
*
2. Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống.
Thư gửi mẹ.
Mẹ thân yêu của con !
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi
nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc
lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những
“điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn
sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn
gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên
con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng
tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất
cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời
gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về
tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4
(độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu
bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ
đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé
học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với
con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng
để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền
chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng
ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu
cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ
khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.
Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng
ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ
chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm
ướt đẫm cả tấm băng gạc.
Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị
thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở
nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì
càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà
mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền
bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có
tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng
của bố và mẹ.
Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ
về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô
giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3
từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như
một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm.
Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ :
con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi
chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe
đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất
ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm.
Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục,
tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về
nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con
và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ
nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa
bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến
răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con
bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc
chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá
tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào
phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù
vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con
ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là
phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như
mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.
Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con
không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi.
Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu
dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này.
Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết
bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà
lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …
Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ
nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân
yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố
và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng
như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới
về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà,
hoặc là …
Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có
người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc
men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận,
như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con
bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì
sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền
lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …
Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào
với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con
lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết
chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc
nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến
mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho
mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con
ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi
con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư
tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ
quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung
quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan
tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững
tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất
cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có
lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như
mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng
đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi
thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.
Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn
đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ
hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con
sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn
cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc
cho bản thân mình.
Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu
tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng
con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối
để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng
với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta
vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong
việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ
Nguyễn Trung Hiếu
*
3. Do một lỗi lầm nào đó, em bị phạt phải biến thành một con chuột (hoặc vẹt, gián, chó sói…) trong 3 ngày. Trong khoảng thời gian đó, em đã trải qua hững sự việc nào, rút ra bài học gì? Vì sao em mong chóng được trở lại làm người?
3. Do một lỗi lầm nào đó, em bị phạt phải biến thành một con chuột (hoặc vẹt, gián, chó sói…) trong 3 ngày. Trong khoảng thời gian đó, em đã trải qua hững sự việc nào, rút ra bài học gì? Vì sao em mong chóng được trở lại làm người?
BA NGÀY LÀM CHUỘT
Tôi là một cô bé rất ngang ngạnh và
bướng bỉnh. Những điều mẹ dạy bảo, tôi toàn để ngoài tai. Một tối, khi
cơm nước đã xong xuôi, mẹ nhắc tôi ngồi vào bàn học bài. Tôi vùng vằng
cãi lại lời mẹ và lê những bước chân nặng trịch về phía bàn học. Tự
nhiên, tôi thấy chiếc bàn trước mặt có vẻ to ra, còn tôi thì có cảm giác
mình đang thu nhỏ lại. Tôi định nói: “Ơ, sao lạ thế nhỉ?” thì nghe thấy
miệng mình phát ra nhưng tiêng kêu chít, chít. Giật mình, tôi vội chạy
lại soi gương. “Trời ơi, tôi đã biến thành một con chuột!”.
Thoáng qua chút ngỡ ngàng, tôi lại
thấy thích thú. Tôi nhảy múa hát ca và thầm nghĩ: “Ờ, thành chuột – mình
đỡ phải học bài, làm bài tập về nhà, đỡ phải tắm rửa và đánh răng trước
khi đi ngủ”. Đang nhảy múa, tôi chợt nghe thấy mấy tiếng chít, chít
phát ra sau cánh cửa. Tò mò, tôi đi tới… thì ra ở đó có một cái hang
chuột. Ôi, bao nhiêu là chuột! Tôi được giới thiệu và làm quen, nào là
chuột đồng, chuột cống, chuột chù, chuột nhắt… Các bạn chuột mời tôi vào
hang chơi.
Ngày hôm đó, tôi ở trong hang chuột
ăn uống, vui chơi đến tận khuya. Gần sáng, tôi mới mò về nhà, tìm một
chỗ khuất và đánh một giấc đến tận trưa hôm sau. Khi tỉnh dậy, tôi thấy
bụng đói meo bèn xuống bếp định kiếm cái gì để ăn nhưng chẳng có gì. Tôi
lại lê bước đến hang chuột. Các bạn chuột từ sáng đến giờ cũng chưa có
gì vào bụng. Chúng tôi cùng rủ nhau sang bếp nhà cô Mai hàng xóm để kiếm
cái gì ăn. Vừa đi, chúng tôi vừa chuyện trò rôm rả.
Meo! Meo! Bất chợt, một con mèo mướp
từ đâu lao tới. Lũ chuột chúng tôi tán loạn chạy mỗi đứa một ngả. Tôi
cũng cắm đầu chạy thục mạng. Một lúc sau, quay lại, tôi thấy mình lạc
vào một vườn cây rộng mênh mông. Tôi cứ lang thang, vừa đói, vừa mệt mà
mãi chả kiếm được cái gì ăn.
Chẳng mấy chốc, màn đêm đã buông
xuống. Tôi một mình run cầm cập mò mẫm đi trong đêm mà không biết đi
đâu. Rồi mệt quá, tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Khi ông mặt trời tỏa những tia nắng
đầu tiên, tôi choàng tỉnh dậy. Cứ tưởng như mọi ngày, khi tỉnh dậy là đã
có sữa, có bánh mẹ đem đến tận giường. Nhưng không, vẫn một mình tôi
trong căn vườn này mà chẳng có gì bỏ vào bụng. Tôi òa khóc. Ôi, tôi đã
chán ngấy cảnh làm chuột lắm rồi. Tôi nghĩ, phải tìm đường về nhà thôi.
Chỉ có ở nhà mình, tôi mới được nằm ngủ trên chiếc giường êm ấm. Chỉ có ở
nhà mình, tôi mới được ăn những bữa cơm ngon do chính tay mẹ tôi nấu.
Vừa nghĩ, tôi vừa tìm đường thoát ra khỏi khu vườn. Mất nửa ngày, tôi
mới tìm ra con đường quen thuộc mà tôi thường được mẹ cho theo đi chợ
vào những ngày nghỉ học. Tôi mừng quýnh, lao đi thật nhanh về hướng nhà
mình. Chợt, uỵch! Tôi giật mình nhìn lên. Thì ra, một cụ già đang xách
làn đi chợ. Chắc thấy tôi hôi hám, bẩn thỉu quá, mồm bà xuỵt xuỵt, chân
dậm dậm, tay cầm hòn gạch ném tôi. Tôi vội vàng nép vào hàng rào ven
đường, mon men đi từng bước mà không dám nghênh ngang đi giữa đường nữa.
Chẳng bao lâu, tôi cũng tìm được về
đến nhà mình. Mẹ tôi đang cầm chổi quét nhà. Tôi mừng rỡ lao thẳng đến
trước mặt mẹ, dự định nói lời xin lỗi mẹ. Nhưng vừa nhìn thấy tôi, mẹ đã
giơ cái chổi, đập bốp một cái xuống sàn nhà. Hú vía, may mà tôi tránh
kịp, nếu không – tôi đã ăn trọn cái cán chổi của mẹ thì gãy lưng rồi.
Mẹ ơi, mẹ ơi! Con đây! Tôi cố gào lên
thật to mà mẹ tôi vẫn không nghe thấy gì. Mẹ ơi, mẹ ơi! Con đã nhận ra
lỗi lầm của mình rồi. Con hứa, từ nay con sẽ ngoan ngoãn và vâng theo
lời dạy bảo của mẹ.
Bùm! tôi giật mình khi nghe thấy
tiếng gậy của bà tiên đập bên cạnh. Tôi chợt tỉnh giấc, mồ hôi toát ra
đầm đìa, lưng áo của tôi ướt sũng. Lời của bà tiên vẫn văng vẳng bên
tai: “Vì cháu không nghe theo lời dạy của mẹ, nên ta đã biến cháu thành
chuột trong 3 ngày. Từ nay trở đi, cháu phải sửa tính xấu của mình đi.
Nếu không, ta sẽ lại biến cháu thành chuột thật đấy”. Tôi thở phào, may
quá, đó chỉ là một giấc mơ.
Tiếng mẹ nhẹ nhàng bên tai tôi:
- Hôm nay chủ nhật mà, làm gì dậy sớm vậy con?
Tôi chạy ra ôm chầm lấy mẹ mà xấu hổ không dám kể lại giấc mơ
mình vừa trải qua. Từ hôm đó, tôi trở thành một cô bé ngoan ngoãn và
luôn nghe theo lời dậy bảo của cha mẹ. Các bạn biết vì sao không? Vì tôi
sợ làm chuột lắm rồi.
Các bạn ơi, chúng ta hãy lấy câu chuyện “Ba ngày làm chuột” của tôi làm bài học nhé!.
Các bạn ơi, chúng ta hãy lấy câu chuyện “Ba ngày làm chuột” của tôi làm bài học nhé!.
Ngô Thùy Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét