Cuốn sách được đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới sẽ hết thời hạn bảo vệ bản quyền vào năm 2015, điều này đang khiến nhiều người lo ngại.
Cuốn “Mein Kampf” (tạm dịch: Cuộc Đấu Tranh Của Tôi) được viết bởi trùm Phát-xít Đức Adolf Hitler hiện được coi là cuốn sách “nguy hiểm nhất thế giới”. Lý do gì khiến cuốn sách bị lãng quên suốt bao năm bỗng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế?
Được biết thời hạn bảo vệ bản quyền đối với cuốn “Mein Kampf” theo luật xuất bản Đức sẽ hết vào cuối năm 2015 này. Điều gì sẽ xảy ra khi nhà chức trách không còn nắm giữ quyền kiểm soát đối với việc xuất bản và phát hành cuốn sách này nữa? Trước vấn đề đặt ra, trang BBC (Anh) đã gọi cuốn sách này là “cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới”.
Thời chủ nghĩa Phát-xít thống trị ở Đức, cuốn “Mein Kampf” được phát hành rộng rãi tới từng người dân, chính quyền Phát-xít muốn sử dụng cuốn sách này để “tẩy não” người dân, biến những luận điểm được nêu ra trong cuốn sách trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho cả nước Đức. Cuốn sách này đã từng đóng một vai trò trung tâm trong hệ tư tưởng của Đức Quốc Xã.
Dù có vị trí như vậy, nhưng thực tế “Mein Kampf” là một cuốn sách pha trộn giữa thể loại hồi ký và tuyên truyền, đó là một cuốn sách đồ sộ nhưng nội dung lại rất lan man, dông dài, khó đọc, khó hiểu.
Khi “Mein Kampf” hết thời hạn bảo vệ bản quyền, về lý thuyết, nhà xuất bản nào của Đức cũng có quyền xuất bản cuốn sách này tại Đức.
“Mein Kampf” là cuốn sách của những sự xuyên tạc lịch sử, Hitler viết cuốn sách này vào thập niên 1920, những gì Hitler đề cập trong đó, sau này đều được trùm Phát-xít thực hiện, và hậu quả của nó là những tang thương cho hàng triệu người.
Hitler bắt đầu viết cuốn “Mein Kampf” khi còn ở trong tù sau khi tiến hành một cuộc đảo chính thất bại vào năm 1923. Cuốn sách này đưa ra những quan điểm phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Sau khi Hitler giành được quyền lực vào một thập kỷ sau, cuốn sách trở thành một “luận cương” quan trọng của chủ nghĩa Phát-xít với 12 triệu ấn bản được in và phát hành rộng rãi.
Cuốn sách thậm chí đã có thời được nhà nước Đức tặng cho những cặp đôi mới cưới làm quà. Những ấn bản dát vàng được đem trưng bày trong phòng khách ở vị trí trang trọng nhất trong nhà của những nhân viên phục vụ nhà nước Đức Quốc Xã.
Khi kết thúc Thế Chiến II, nhà xuất bản Eher Verlag chuyên in sách phục vụ Đức Quốc Xã đã bị mất quyền xuất bản cuốn “Mein Kampf”. Quyền này được chuyển giao cho chính quyền tiếp quản, nhằm bảo đảm cuốn sách sẽ chỉ được in ấn ở Đức trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn phục vụ nghiên cứu.
Tuy vậy, quyền hạn bảo vệ tác quyền đối với cuốn sách này sẽ hết vào tháng 12/2015. Điều này đã làm nảy sinh những tranh cãi dữ dội về việc làm thế nào để đương đầu với bài toán mới đang được đặt ra, khi thời hạn mà bất cứ nhà xuất bản nào ở Đức cũng có quyền xuất bản cuốn “Mein Kampf” đã sắp đến.
Trước đây, chính phủ Đức thường sử dụng luật bản quyền để kiểm soát vấn đề tái bản cuốn “Mein Kampf”, nhưng khi luật này đã sắp hết hiệu lực đối với cuốn sách, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
“Mein Kampf” là một cuốn sách thực sự nguy hiểm. Trên thế giới hiện nay, người ta thấy manh nha xuất hiện những nhóm theo chủ nghĩa Tân Phát-xít, vì vậy, việc xuất bản cuốn sách có thể khiến người đọc không có hiểu biết đầy đủ về lịch sử bị tác động lệch lạc về tư tưởng…
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng cuốn sách này là một trong những nguồn cơn khiến hàng triệu người từng bị giết hại, hàng triệu người từng bị ngược đãi và nhiều lãnh thổ bị tàn phá bởi chiến tranh.
Những điều này cần phải luôn luôn được nhớ đến để việc quản lý cuốn sách nguy hiểm này không có phút nào bị lơ là. Bởi khi những sự việc kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của loài người đã lùi xa, người ta có thể sẽ đánh giá thấp sự nguy hiểm của những câu chữ viết trong cuốn sách.
Việc đọc cuốn sách này đòi hỏi phải có những hiểu biết sâu sắc về lịch sử để lịch sử không bị bóp méo qua một lăng kính sai lệch, để những sự kiện chính trị không bị tách rời và xuyên tạc theo ý hiểu của riêng một cá nhân.
Khi thời hạn bảo vệ bản quyền của cuốn sách sắp hết, Viện Lịch Sử Đương Đại đặt ở thành phố Munich (Đức) dự kiến đưa ra một ấn bản mới của cuốn “Mein Kampf”, kết hợp cả văn bản gốc cùng với hàng loạt những bình luận, chú giải chuyên sâu đi kèm để chỉ ra những thiếu sót, những bóp méo sự thật nằm trong cuốn sách.
Nhiều nạn nhân còn sống của Đức Quốc Xã đã lên tiếng phản đối kế hoạch này và chính phủ Đức cũng tạm thời chưa thông qua phương án của Viện sau khi hàng loạt những chỉ trích của những người Do Thái sống sót qua thời kỳ diệt chủng đồng loạt nổi lên.
Tuy vậy, cả nhà chức trách và giới nghiên cứu đều công nhận rằng việc tuyệt đối cách ly cuốn sách cũng không phải là phương pháp tối ưu, bởi việc để giới trẻ hiểu về chủ nghĩa Phát-xít và những điều khủng khiếp mà nó gây ra, từ đó có ý thức phản biện trước những luồng tư tưởng sai lệch, để không “mù mờ” trước một vết đen của lịch sử loài người; để chống lại một hệ tư tưởng nguy hiểm, phản tiến bộ, phản nhân loại… là điều vô cùng quan trọng.
Những điều này chỉ có thể có được nếu người ta công khai những hiểu biết lịch sử về chủ nghĩa Phát-xít, thay vì giữ những “vết đen” này nằm trong bóng tối, và biến những sử liệu trở thành tài liệu bất hợp pháp.
Việc cấm xuất bản cuốn sách trên khắp thế giới là một điều bất khả thi, vì vậy, khi hạn chót sắp đến gần, người ta càng chờ đợi một hướng đi, một cách xử lý hiệu quả và đúng đắn, thay vì việc cố gắng kiểm soát một thứ gần như không thể kiểm soát.
Trong thế giới hiện đại, khi quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của con người ngày càng được đề cao, việc ngăn tất cả người dân trên thế giới tiếp cận cuốn sách này là một điều không thể thực hiện.
Hiện có nhiều đề xuất về cách ứng xử đối với cuốn sách sau khi hết thời hạn bảo vệ bản quyền, chẳng hạn nhà nước Đức có thể dùng luật để tiến hành khởi tố đối với bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng nội dung cuốn sách để xúi giục thù hằn hay phân biệt chủng tộc.
BÍCH NGỌCTheo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét