Đừng vô cảm với nỗi khổ của dân
TT - Câu chuyện về những người dân phải đi khiếu kiện kéo dài, xuất phát từ sai phạm của chính quyền địa phương hiện không phải chuyện cá biệt.
Bà Thân Thị Giang phải ở vỉa hè, vườn hoa nhiều năm |
Có một ngôi nhà trên mảnh đất mặt đường rộng gần 200m2, hằng ngày sinh sống với mẹ già bằng nghề bán hàng nước, vậy mà bỗng dưng bà Thân Thị Giang (63 tuổi, bài “Bỗng dưng bị đẩy ra đường”, Tuổi Trẻ 25-11) bị các cấp tòa án và chính quyền tỉnh Bắc Giang đẩy ra đường
Năm 2007, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chỉ đạo phải giải quyết để ổn định đời sống cho bà. Thanh tra Chính phủ đã về làm việc, UBND tỉnh Bắc Giang đã triệu tập lãnh đạo từ cấp xã đến cấp huyện để bàn hướng giải quyết.
Vụ việc đơn giản liên quan đến thân phận một con người với từng ấy cấp vào cuộc mà suốt 10 năm qua chỉ giải quyết được theo kiểu nửa vời. Tại sao?
Chứng kiến cảnh bà Thân Thị Giang phải sống vạ vật ở vườn hoa, vỉa hè tại thủ đô suốt 10 năm qua để đòi quyền lợi chính đáng cho mình, câu hỏi ấy lại càng thêm nhức nhối.
Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi biết câu chuyện của bà Thân Thị Giang. Ngạc nhiên vì vụ việc xuất phát từ sai phạm của chính quyền địa phương, có thể giải quyết dứt điểm nhưng lại để kéo dài suốt 10 năm.
TAND huyện Việt Yên và TAND tỉnh Bắc Giang khi xét xử đã không xem xét toàn diện vụ án dẫn đến việc bản án bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy. Khi thụ lý lại, lẽ ra TAND huyện Việt Yên phải sớm xét xử để xem xét quyền lợi cho bà Giang.
Thế nhưng, một lần nữa họ lại thể hiện sự thờ ơ của mình khi để vụ án kéo dài bảy năm rồi kết thúc bằng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do nhẹ tênh: đã triệu tập nhưng nguyên đơn không đến.
Tại sao vụ án lại kéo dài đến bảy năm để bà Giang phải khốn đốn đi kêu cứu khắp nơi?
Sau đó chính quyền địa phương lại sửa sai theo kiểu nửa vời, cấp cho bà Giang mảnh đất 90m2 trên mặt hồ nước mênh mông. Cán bộ địa chính đi cắm mốc giới chia đất phải chèo thuyền thúng. Thế nên, chẳng đặng đừng bà Giang vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Câu chuyện về những người dân phải đi khiếu kiện kéo dài, xuất phát từ sai phạm của chính quyền địa phương như bà Thân Thị Giang không phải chuyện cá biệt.
Ông Phạm Tấn Học (tỉnh Bình Thuận), bà Cao Quế Hoa (tỉnh Tiền Giang, bài “Trần ai đòi lại công bằng”, Tuổi Trẻ 24-11) cũng trầy trật từ năm này qua năm khác vẫn chưa đòi được quyền lợi cho mình.
Những vụ việc có thể giải quyết dứt điểm nhưng chính quyền địa phương lại để kéo dài hàng chục năm.
Nguyên nhân mà cả ông Nguyễn Sỹ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) và bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) đã chỉ ra là do “căn bệnh vô cảm”.
Sự vô cảm của một bộ phận cán bộ công chức là vấn nạn nhức nhối hiện nay mà bà Thu đã nói trên Tuổi Trẻ rằng: “Nếu không xử lý cán bộ sai phạm theo luật thì dần dần sẽ dẫn đến việc chai sạn, mất cảm xúc trước những nỗi khốn khó của dân”.
Hằng năm, Ban tiếp công dân trung ương phải dùng nhiều cách như điện thoại, fax công văn hỏa tốc về địa phương yêu cầu địa phương cử đoàn đi đón dân khiếu kiện trở về. Mỗi năm, hàng trăm tổ công tác như vậy được thành lập.
Dân về rồi lại đi. Vô cảm với dân, giải quyết khiếu kiện theo kiểu nửa vời không những không giải quyết được vấn đề mà còn khiến dân mất niềm tin vào chính quyền, vào những vị công bộc của dân. Đừng vô cảm với nỗi khổ của dân.
TÂM LỤA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét