Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

TIỂU SỬ Cố Huynh Trưởng CẤP DŨNG NHƯ TÂM Nguyễn Khắc Từ

CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG
NHƯ TÂM NGUYỄN KHẮC TỪ

Anh  Nguyễn Khắc Từ sinh năm 1928, nguyên quán tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong, làng An Cư, một làng truyền thống nổi tiếng văn vật của huyện Triệu Phong. Anh sinh trong một gia đình Nho học có truyền thống phong nhã, thông minh, ảnh hưởng tinh thần Phật giáo khá sâu đậm. Nhờ vậy lúc thiếu thời chỉ mới 10 tuổi Anh đã gia nhập Ban Đồng Ấu Phật tử của Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị do anh Nguyễn Hữu Ba làm đoàn trưởng.
Hấp thụ cả hai tư tưởng Phật–Nho, Anh sớm tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong quá trình sinh hoạt với phong trào chấn hưng Phật giáo được phát động mạnh mẽ lúc bấy giờ, đồng thời Anh cũng kịp thời làm quen với những tư tưởng cũ mới Đông–Tây nên lòng yêu nước mến đạo của Anh được phát triển mãnh liệt. Sau biến cố 1945, Anh bị Pháp bắt giam năm 1946 trong một trận càn quét đầu tiên ra Quảng Trị. Một năm sau ra tù, Anh vào Đà Nẵng tự lực cánh sinh, nuôi em ăn học.
Ở Đà Nẵng từ năm 1947-1950, Anh quy y Tam Bảo với pháp danh là  Như Tâm và gia nhập Chi hội Phật giáo  Đà Nẵng. Nhờ có khả năng đặc biệt về tổ chức và huấn luyện, Anh cùng với anh Lương Hoàng Chuẩn thành lập và phát triển nhiều GĐPT đầu tiên tại đây. Quan điểm của Anh đã rõ nét, tư tưởng của Anh đã minh định, lập trường của Anh đã dứt khoát trong thời gian này với chiều hướng phục vụ dân tộc theo quan điểm Phật giáo. Anh luôn luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cao, nên năm 1960 Anh được giao chức vụ Chánh Thư ký Hội Phật giáo Trung Phần, Anh  được mời về Huế và làm việc tại chùa Từ Đàm.
Năm 1962, Anh là Uỷ viên Nghiên huấn và năm 1963 đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư ký của Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên. Liên tiếp trong mấy nhiệm kỳ từ năm 1964 đến 1969 Anh là Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên.
Với sự hướng dẫn khéo léo của Anh trong mùa Pháp nạn từ1963-1966 dưới sự lãnh đạo của Giáo hội, nhờ thế GĐPT Thừa Thiên đã giữ vững ý chí bất khuất làm con chim đầu đàn cho Gia  Đình Phật Tử Việt Nam cùng các  đoàn thể Thanh niên Phật tử bạn như Sinh viên Phật tử, Học sinh Phật tử, Hướng đạo Phật giáo. Anh đã bị chính quyền nhà Ngô bắt giam và nằm trong danh sách 12 người xém bị thủ tiêu nếu không có ngày 01.11.1963 cứu vãn.
Năm 1966 lại một lần nữa Anh bị chế độ Thiệu-Kỳ tầm nã, không từ nguy hiểm, Anh tiếp tục tranh đấu bí mật, chủ trương tờ Tuần báo Thanh Quang, cơ quan ngôn luận tranh đấu cho tự do tín ngưỡng và công bằng xã hội, dưới sự che chở của quý Ôn, quý Thầy, quý Sư bà, Sư cô ở Huế.
Năm 1973 Anh lập gia đình với chị Xuân Hoà cũng là một người bạn áo Lam, hai anh chị hỗ tương nhau hoàn thành nhiệm vụ. Về tiểu gia đình của anh chị thì được hai trai, một gái. Mặc dù có gia đình riêng, Anh vẫn dồn hết tâm trí, dành nhiều thì giờ phục vụ đại gia đình áo Lam, nhận lãnh nhiều chức vụ chủ chốt khác nhau trong  Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN, Anh vừa là Đại diện lại kiêm nhiệm luôn cảTrưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Quảng Đức, chức vụ sau cùng là  Ủy viên Nghiên huấn  Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN. Anh cũng là Gia trưởng GĐPT Chánh Thọ từ năm 1981 cho đến khi qua đời (1993).
Trong suốt mấy mươi năm từ 1952 đến nay, Anh chỉ có một lý tưởng duy nhất: Bảo vệ và phát huy tinh thần Bi-Trí-Dũng của tổ chức GĐPTVN, vì dân tộc và đạo pháp. Từ 1952-1963 với quyết tâm kiên cố, thấm nhuần đạo vị, Anh luôn luôn phát huy sở trường phục vụ Giáo hội, cộng tác thường xuyên, viết rất nhiều bài có giá trị cho các tờ báo Phật giáo như Liên Hoa, Hải Triều Âm, Hoá Đạo và liên tục soạn thảo nhiều tài liệu cơ bản trong việc củng cố và phát triển GĐPT như các quyển: Gia trưởng, Nghề Đội chúng trưởng, Cương yếu tổ chức GĐPT và tất cả những tài liệu nghiên huấn từ cấp đoàn sinh, đội chúng trưởng và soạn chương trình tu học cho các cấp Huynh trưởng của các trại huấn luyện: Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang và Vạn Hạnh. Nhiều khoá huấn luyện  ở các trại trường đều có dấu  ấn và bước chân Anh từ Huế vào đến khắp các tỉnh miền Nam.
Nổi bật nhất là trong hoàn cảnh đạo đức bị băng hoại, Anh đã qui tụ được một số thanh niên làm nồng cốt để phát triển ngành Thanh trên địa bàn các Tỉnh và Thành phố mà từ trước đến nay chưa đủ thiện duyên để thành tựu. Song song với các đoàn ngành Thanh, Anh tổ chức các đạo tràng chuyên tu cho những thanh thiếu niên, cho những người chưa có điều kiện sinh hoạt cùng tổ chức GĐPT.
Trong tình hình đạo pháp nguy vong, Anh vẫn kiên  định lập trường, đứng mũi chịu sào, không quản tấm thân gầy còm già yếu lại bị bệnh tật hoành hành, Anh gồng mình gánh chịu, qua bao lần lao lý, đôi mắt Anh mù loà, Anh vẫn đến các vùng kinh tế mới xa xôi hẻo lánh, duy trì tổ chức, huấn luyện và dạy dỗ các em, sát cánh với các anh chị em, trung kiên với tổ chức, với Giáo hội, hiến trọn cuộc đời cho đạo pháp trường tồn, cho quê hương yêu dấu. Sức khoẻ của Anh càng sa sút thì tinh thần của Anh càng cao, chí khí của Anh càng vững. Kinh tế gia đình càng khó khăn, Anh vẫn vui cùng vợ hiền con thảo. Anh muốn giấu giếm bệnh tình để luôn có nụ cười chan hoà như sen trắng. Anh chị em nhiều lần khuyên nhủ Anh giữ gìn sức khoẻ nhưng Anh không chịu nghe, lấy lý do có làm việc mới vui, mới khoẻđược. Hơn nữa Anh cho rằng Anh chưa hoàn thành nhiệm vụ của người huynh trưởng cấp Dũng.
Chính vì vậy mà Anh phải vào bệnh viện và đã ra đi không kịp từ giã anh em, Anh ra đi lúc 4 giờ 15 phút ngày 03 tháng 4 năm 1993 tức ngày 12 tháng 3 năm Quý Dậu. Anh ra đi vĩnh viễn ! Suốt 50 năm phục vụ đạo pháp và dân tộc, sinh hoạt trong lòng Giáo hội, trong bàn tay ấp yêu của quý Thầy, quý Cô, Anh đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho tổ chức GĐPTVN, cho đạo pháp với cả thân tâm và trí tuệ. Anh vượt qua bao gian lao, chịu đựng bao đau khổ thân xác và tinh thần, cốt nêu gương sáng cho tất cả đoàn viên  GĐPTVN. Anh thường nhắc nhở nhiều lần với anh em:
Mặc kệ, mất còn đừng sợ hãi,
Mất còn như hạt sương phơi đầu cành
Thể xác Anh đã mất, nhưng tinh thần Anh vẫn còn, Anh còn mãi trong lòng mọi người, hiện diện mãi với sự nghiệp Anh để lại, gương Anh vẫn sáng chói hy sinh để GĐPTVN noi gương Anh mà phát huy ánh đạo.
Anh Như Tâm ra đi còn mang theo nhiều hoài bão chưa đủ túc duyên để thực hiện. Nhưng Anh tin rằng:
Một NHƯ TÂM mất đi, nhiều Như Tâm khác nối tiếp,
Một KHẮC TỪ ra đi, nhiều Khắc Từ kế thừa bổn phận.
Cuộc đời của Anh đẹp thay !
Tình thương chân thật của Anh đẹp thay !
Xin Anh cười tươi bên sen báu của chư Phật, gặp lại chị Cúc, anh Chuẩn, anh Thức, anh Trinh. Xin quý Anh chị hộ trì cho Gia  Đình Phật Tử Việt Nam trường tồn với dân tộc và đạo pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét